Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, có rất nhiều yếu tố hứa hẹn sự tăng trưởng của thị trường bất động sản trong năm 2022.

Nguồn vốn vào bất động sản 2022 dồi dào

Theo Bộ Xây dựng, do ảnh hưởng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam nói chung, gây đình trệ, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh sản xuất của nhiều ngành, nghề, ngành bất động sản không phải là một ngoại lệ. Hầu hết các dự án phát triển bất động sản trên cả nước, đều phải dừng xây dựng, thi công vì giãn cách xã hội và đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị.

Từ đầu tháng 10/2021, các địa phương gỡ dần các biện pháp hạn chế chống dịch đồng thời kích hoạt trở lại các hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế trong bối cảnh bình thường mới.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản cuối năm 2021 không có chuyển biến mang tính đột phá, vì nền kinh tế phía Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt thì thanh khoản bất động sản sẽ tăng trở lại, kéo theo giá cả có thể sẽ tăng nhẹ do nguồn cung còn hạn chế mà nhu cầu nhà ở vẫn cao, giá nguyên vật liệu, nhân công… tăng.

Ngoài ra, trong tình trạng đại dịch như hiện nay, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng, do đó dòng vốn sẽ có xu hướng rót về bất động sản, vì đây vẫn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, bền vững trong dài hạn.

Cụ thể: Nguồn vốn bất động sản vẫn dồi dào. quý IV/2021, nguồn vốn tín dụng bất động sản tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước; tổng dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 19% tổng dư nợ nền kinh tế; trong đó, theo Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng, cho vay nhà ở chiếm 64%, còn lại là tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 36%.

Nguồn vốn tư nhân đến tháng 12/2021, số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới là 6.700 nghiệp, tăng 10,3%; vốn đăng ký 423.000 tỷ đồng, tạo ra 43.400 việc làm. Thị trường ghi nhận 1.250 doanh nghiệp hoạt động trở lại và 1.580 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.

Về nguồn vốn FDI, đến tháng 12/2021, tổng vốn đăng ký mới vào bất động sản đạt gần 2 tỷ USD (chiếm khoảng 11%), đứng thứ 3 trong các lĩnh vực thu hút FDI. Riêng góp vốn, mua cổ phần đạt 983 triệu USD (chiếm 22,4%). Về phát hành trái phiếu, tính đến tháng 12/2021, toàn thị trường phát hành 436 nghìn tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp bất động sản xếp thứ nhất (chiếm 45%), thứ 2 là nhóm ngân hàng (chiếm 30%).

Thêm vào đó, đầu tư cơ sở hạ tầng được coi là một trong ba đột phá chiến lược, cùng với hành lang pháp lý về bất động sản đã và đang được tháo gỡ (Nghị định 148/CP/2020 về đất đai, Nghị định 69/CP/2021 về cải tạo chung cư cũ, Luật Đất đai dự kiến sửa đổi năm 2022, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, thị hiếu khách hàng thay đổi sau đại dịch… là những yếu tố tích cực thúc đẩy thị trường bất động sản khởi sắc trong tương lai.

Thị trường bất động sản phát triển lành mạnh

Bước sang năm 2022, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản; nhất là tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, tăng cường quản lý đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững.

Trong đó, Bộ sẽ tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản; xây dựng kế hoạch triển khai và đôn đốc các Bộ ngành, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt; tập trung xây dựng chính sách, tháo gỡ khó khăn để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp và trung bình; khắc phục việc mất cân đối cơ cấu sản phẩm nhà ở.

Hoạt động mua bán phân lô bán nền từ việc tách thửa diễn ra khá phố biển ở huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội.

Bám sát chặt chẽ Chương trình phục hồi nền kinh tế giai đoạn 2022 – 2023 mà Chính phủ hiện đang xây dựng để kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách và nguồn lực cụ thể phù hợp, trọng tâm là thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, người lao động.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ theo dõi chặt chẽ việc triển khai Nghị định 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ tại các địa phương để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, phấn đấu năm 2022 khởi công một số dự án xây dựng lại chung cư cũ, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM.

Đối với thị trường bất động sản, thường xuyên bám sát diễn biến của thị trường để có giải pháp kịp thời xử lý các biến động tiêu cực của thị trường, đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Có thể bạn quan tâm:

Tại Hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm 2021 và triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2022 của Bộ Xây dựng mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã chỉ đạo rõ cần phải bổ sung cơ chế chính sách, quy định, công cụ quản lý để kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản, kiên quyết không để xảy ra tình trạng đầu cơ bất động sản. Tiếp tục tái cơ cấu thị trường bất động sản, cân đối cung cầu, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai và nguồn lực đầu tư.